Plain Text
Formats
-
Ngày 5/12/2021, Bộ Tài chính cho biết vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Trên cơ sở quan điểm mức phí bảo vệ môi trường phải căn cứ vào khối lượng chất thải ra môi trường và mức độ ô nhiễm trong quá trình khai thác khoáng sản gây ra, Bộ Tài chính cho rằng, các quy định hiện hành phát sinh một số vấn đề cần hoàn thiện. Mục đích chính là từng bước hạn chế tác động xấu đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Hiện nay, quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá… là từ 1.500 - 1.600 đồng/m3. Theo Bộ Tài chính, mức phí này còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế. Do vậy, đơn vị này đề xuất trình Chính phủ điều chỉnh tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Mức phí tối thiểu bằng mức phí tối đa hiện hành và mức phí tối đa bằng 200% mức phí hiện hành. Cụ thể, mức phí từ 2.000 -12.000 đồng/m3, tùy loại khoáng sản trong khi mức hiện hành là từ 1.000 – 6.000 đồng/m3. Bên cạnh đó, để khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sử dụng đất đá bốc xúc thải ra để cải tạo, phục hồi môi trường, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định miễn thu phí đối với việc sử dụng đất đá bốc xúc để cải tạo, phục hồi môi trường. Đồng thời, miễn thu phí với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. Tổ chức, cá nhân khai thác đất đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai. Theo thống kê, số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Số thu phí năm 2017 là 3.029 tỉ đồng; năm 2018 là 3.448 tỉ đồng; năm 2019 là 3.737 tỉ đồng; năm 2020 là 3.576 tỉ đồng.
-
Sáng ngày 25 tháng 3 năm 2022, tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc diễn ra buổi lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp trong công tác quản lý nhà nước giữa Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Tài nguyên và Môi trường với các nội dung: 1. Rà soát pháp lý liên quan công tác phân loại chức năng sử dụng đất, quản lý đất đai theo Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Phối hợp rà soát, thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, trong đó cần thống nhất về thời kỳ quy hoạch, về không gian và các loại hình, các cấp quy hoạch, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất (tên gọi, ký hiệu, mã loại đất, mục đích sử dụng đất,...). Đánh giá, làm rõ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nhằm đi đến thống nhất trong quy định về phân loại chức năng sử dụng đất và quản lý đất đai, thực hiện quy hoạch. 2. Rà soát, thống nhất về cơ chế cung cấp dữ liệu định kỳ liên quan nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất theo thẩm quyền, nhằm phục vụ kịp thời công tác quản lý. Rà soát, thống nhất nội dung chia sẻ dữ liệu phục vụ các nhiệm vụ trọng điểm quản lý và phát triển đô thị. Phối hợp cung cấp thông tin bản đồ và dữ liệu môi trường, địa chất - thủy văn. 3. Nghiên cứu xây dựng quy trình phối hợp trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thẩm định phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho nhà đầu tư thực hiện dự án trong quy trình xác định chủ trương đầu tư và xác định nhà thầu tư thực hiện dự án. Nghiên cứu và xây dựng quy trình phối hợp giữa cung cấp thông tin quy hoạch (do cơ quan quản lý quy hoạch của Thành phố cấp) và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do cơ quan quản lý ngành Tài nguyên của Thành phố thực hiện). 4. Phối hợp thẩm định nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh. Phối hợp triển khai tiêu chí chống chịu với biến đổi khí hậu trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060. Nguồn: Trang thông tin điện tử Sở Quy hoạch - Kiến trúc https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/
-
Việc phát hiện ra vi nhựa trong không khí trên đại dương cho thấy sự lây lan của ô nhiễm nguy hiểm này. Khi nhựa trong đại dương của chúng ta vỡ ra thành các mảnh nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa mà không bị phân hủy về mặt hóa học, các vi nhựa được tạo thành đang trở thành một vấn đề sinh thái nghiêm trọng. Một nghiên cứu mới tại Viện Khoa học Weizmann cho thấy một khía cạnh đáng lo ngại của vi nhựa (được định nghĩa là các hạt có đường kính nhỏ hơn 5mm), chúng bị cuốn vào bầu khí quyển và theo gió đến những vùng xa xôi của đại dương. Phân tích cho thấy những mảnh vụn nhỏ như vậy có thể tồn tại trong không khí trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, phát tán khả năng gây hại cho môi trường biển, cũng như xâm nhập vào chuỗi thức ăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tiến sĩ Miri Trainic, trong nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ilan Koren từ Phòng Khoa học Trái đất và Hành tinh, phối hợp với Giáo sư Yinon Rudich và Giáo sư Assaf Vardi từ Phòng Khoa học Cây trồng và Môi trường của Viện Khoa học Weizmann cho biết: “Một số nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong khí quyển ngay trên mặt nước gần bờ biển... Nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy một lượng vi nhựa không hề nhỏ bên trên khu vực mặt nước tưởng như nguyên sơ”. Giáo sư Koren và Giáo sư Vardi đã hợp tác với nhau trong các nghiên cứu tìm hiểu sự tương tác giữa đại dương và không khí. Trong khi cách các đại dương hấp thụ vật chất từ khí quyển đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, quá trình theo hướng ngược lại – các sol khí (aerosol) trong đó có các chất bay hơi, vi rút, mảnh tảo và các hạt khác bị cuốn từ nước biển vào khí quyển – lại ít được nghiên cứu hơn nhiều. Là một phần của nỗ lực không ngừng này, các mẫu aerosol đã được thu thập để nghiên cứu bằng tàu nghiên cứu khoa học Tara vào năm 2016. Nhóm nghiên cứu của Viện Weizmann đã gắn thiết bị đo lên đầu một trong những cột buồm của tàu Tara, trong khi tàu đi qua Bắc Đại Tây Dương. Việc xác định và định lượng các vi nhựa có bên trong các mẫu aerosol không hề dễ dàng, vì các hạt này rất khó nhận diện dưới kính hiển vi. Để hiểu chính xác nhựa đang đi vào khí quyển, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo quang phổ Raman với sự giúp đỡ của Tiến sĩ Iddo Pinkas thuộc Nhóm Hỗ trợ Nghiên cứu Hóa học của Viện để xác định thành phần hóa học và kích thước của chúng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hàm lượng cao các loại nhựa phổ biến - polystyrene, polyethylene, polypropylene và nhiều loại khác - trong mẫu thu thập. Sau đó, tính toán hình dạng và khối lượng của các hạt vi nhựa, cùng với hướng và tốc độ gió trung bình trên các đại dương, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguồn gốc của các vi nhựa này rất có thể là túi nhựa và các chất thải nhựa khác đã bị vứt bỏ gần bờ biển, sau đó di chuyển ra khu vực đại dương cách đó hàng trăm kilomet. Kiểm tra nước biển bên dưới các vị trí lấy mẫu cho thấy có cùng một loại nhựa, điều này củng cố cho ý tưởng rằng vi nhựa đi vào khí quyển thông qua các bong bóng trên bề mặt đại dương hoặc được gió cuốn lên và được vận chuyển theo dòng không khí đến các vùng xa hơn của đại dương. Trainic cho biết: “Một khi vi nhựa ở trong khí quyển, chúng khô đi và tiếp xúc với tia UV và các thành phần khí quyển mà chúng tương tác hóa học... Điều đó có nghĩa là các hạt rơi trở lại đại dương có khả năng gây hại hoặc độc hại hơn trước đây đối với bất kỳ sinh vật biển nào ăn phải chúng.” “Trên hết,” Vardi cho biết thêm, “một số loại vi nhựa này trở thành giá đỡ cho sự phát triển của vi khuẩn, vì vậy nhựa trong không khí có thể vận chuyển một số loài, bao gồm cả vi khuẩn gây bệnh có hại cho sinh vật biển và con người.” Trainic cho biết: “Lượng vi nhựa thực sự trong các aerosol gần như chắc chắn lớn hơn những gì mà các phép đo của chúng tôi cho thấy, bởi vì thiết lập của chúng tôi không thể phát hiện ra những hạt đó có kích thước dưới vài micromet... Ví dụ, ngoài nhựa có thể phân hủy thành các mảnh thậm chí còn nhỏ hơn, còn có các hạt nano được thêm vào mỹ phẩm và dễ dàng bị rửa trôi vào đại dương, hoặc các hạt được hình thành trong đại dương thông qua sự phân mảnh vi nhựa.” Kích thước của hạt nhựa rất quan trọng, không chỉ vì những hạt nhẹ hơn có thể ở trong không khí trong thời gian dài hơn. Khi hạ cánh trên mặt nước, chúng có nhiều khả năng bị các sinh vật biển nhỏ ăn vào, tất nhiên là không thể tiêu hóa được. Do đó, mỗi hạt này đều có khả năng gây hại cho sinh vật biển hoặc tác động lên chuỗi thức ăn và xâm nhập vào cơ thể con người. “Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, giống như tất cả các aerosol, vi nhựa dần trở thành một phần của các chu trình hành tinh lớn - như carbon và oxy - khi chúng tương tác với các phần khác của khí quyển,” Koren nói. “Bởi vì vi nhựa có trọng lượng nhẹ và tuổi thọ cao, ngày càng nhiều vi nhựa sẽ được vận chuyển trong không khí hơn khi lượng nhựa đã và đang gây ô nhiễm đại dương vỡ ra", ông nói thêm.
-
Ngày 11/1/2017, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 95/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Trung tâm có chức năng thực hiện các hoạt động về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi quản lý của Sở; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật. Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường về tổ chức, số lượng người làm việc và hoạt động; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Công nghệ Thông tin trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường, đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường theo đúng quy định pháp luật.
-
Triển khai Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 của UBND TP Hồ Chí Minh về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh và Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 3/2/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh về phê duyệt Chương trình triển khai Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và phục vụ người dân tốt hơn của Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, sáng 17 tháng 3 năm 2022, Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục (TTTT&CGTD) thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ Thông tin Tài nguyên môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo giới thiệu và bàn giao tài khoản kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên môi trường nhằm chính thức triển khai Hệ thống thông tin địa lý giáo dục giai đoạn 2021 - 2025. Chủ trì hội thảo: Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cùng các đại biểu: - Ông Bùi Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm CNTT Tài nguyên môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường - Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng GDTrH, Giám đốc TTTT&CTGD - Ông Nguyễn Hồng Tuấn – Phó Giám đốc TTTT&CTGD Qua Hội thảo Trung tâm CNTT Tài nguyên môi trường (TT CNTT TNMT) thành phố Hồ Chí Minh đã hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo (TTTT&CTGD) sử dụng nền tảng chia sẻ dữ liệu không gian địa lý tài nguyên và môi trường qua đó giúp Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng các ứng dụng quản lý, điều hành và phục vụ người dân trên nền tảng bản đồ thành phố Hồ Chí Minh do Sở Tài nguyên Môi trường triển khai theo Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2018 của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Bảo Quốc đã các ơn sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên và môi trường (TT CNTT TNMT) đã rất nhiệt tình hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai một ứng dụng hiệu quả nhằm triển khai Chương trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục. Ông Nguyễn Bảo Quốc cũng đánh giá cao tinh thần chủ động và làm việc nghiêm túc, hiệu quả giữa TTTT&CTGD với TT CNTT TNMT nhằm bước đầu xây dựng các ứng thiết thực trên nền tàng dữ liệu không gian địa lý thành phố Hồ Chí Minh. Ông mong muốn Sở TN&MT sẽ tiếp tục hỗ trợ để Sở GD&ĐT tiếp tục phát triển Hệ thống thông tin địa ký giáo dục thật sự là một nền tảng mang tính đột phá nhằm hiện thực hóa các nội dung, mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Kết thúc buổi hội thảo, Trung tâm Công nghệ Thông tin Tài nguyên môi trường đã ký kết biên bản chính thức bàn giao tài khoản thành viên tham gia hệ thống Trục tích hợp các dịch vụ Web ngành Tài nguyên và Môi trường cho Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục nhằm hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo phát triển Hệ thống thông tin địa lý giáo dục hiệu quả hơn trong giai đoan sắp tới. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử ngành GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh https://hcm.edu.vn/
-
Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin phía Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, có chức năng giúp Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường (sau đây gọi tăt là Cục trưởng) triên khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, lưu trữ và thông tin tư liệu, thư viện tài nguyên và môi trường tại phía Nam theo phân công của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường. Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin phía Nam có một số chức năng sau: - Thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn trong việc xây dựng, triển khai, đấu thầu, giám sát thi công về: công nghệ thông tin; dữ liệu tài nguyên và môi trường; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; an toàn và bảo mật thông tin trong môi trường điện tử; thông tin lưu trữ, thư viện điện tử cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. - Đào tạo, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, lưu trữ, thông tin tư liệu, thư viện tài nguyên môi trường cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại phía Nam. Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin phía Nam là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin cho các địa phương, tỉnh, thành phố phía Nam trên nền tảng mã nguồn mở và dựa vào các chuẩn mở quốc tế. Địa chỉ liên hệ: 36, Lý Văn Phức, phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
-
Chiều 17/8/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức công bố nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi số của thành phố. Tham dự buổi công bố có đồng chí Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM; đồng chí Nguyễn Toàn Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; đồng chí Bùi Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường; cùng với các đồng chí đại diện 21 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức. Căn cứ vào Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 06 năm 2017 của Chính phủ về Thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Căn cứ Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Căn cứ Quyết định 2393/QĐ-UBND ngày 03 tháng 07 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của Thành phố; Căn cứ vào Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2018 của UBND Thành phố về Ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện theo Công văn số 1941/UBND-ĐT ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố và Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018 và 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2607/QĐ-UBND ngày 24 tháng 07 năm 2020 và Quyết định số 3090/QD-UBND ngày 25 tháng 08 năm 2020 về Công bố danh mục thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện khoản (b), mục 3, Điều 27 của Nghị định 73/2017/NĐ-CP và thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại khoản (b), mục 1, Điều 6 của Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND về việc Xây dựng Cổng thông tin tài nguyên và môi trường phục vụ lưu trữ, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường giữa các cơ sở dữ liệu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành; Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2021. Website: https://geoportal-stnmt.tphcm.gov.vn/ Để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trên và thực hiện tầm nhìn của Kiến trúc tổng thể Công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường tại Quyết định số 1048/QĐ-STNMT-TTCNTT ngày 19 tháng 07 năm 2018 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đó là: “Dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường sẽ dễ dàng tiếp cận khai thác và sử dụng và là nền tảng để kiến tạo môi trường phát triển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh”, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng bước đầu Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ Web ngành tài nguyên và môi trường vào năm 2020. Website: https://esb-stnmt.tphcm.gov.vn/ Cổng thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ Web ngành tài nguyên và môi trường hình thành Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường để phục vụ các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định đã ban hành. Sở Tài nguyên và môi trường đã tiến hành đào tạo, hướng dẫn sử dụng để khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường qua Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường cho UBND Thành phố Thủ Đức, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, UBND quận Bình Tân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) … và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhận thấy, Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của Nghị định 73/2017/NĐ-CP và Quyết định 37/2018/QĐ-UBND về việc thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và có thể coi đây là một trong những nền tảng số đáp ứng Chuyển đổi số trong ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và chuyển đổi số của Thành phố nói chung. Hiện nay, Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường đã công bố và cung cấp kênh chia sẻ dữ liệu không gian địa lý cho gần 450 tập dữ liệu thông qua các giao tiếp mở, chuẩn mở quốc tế và theo quy định của Nhà nước. Thông qua nền tảng này, các tổ chức cá nhân có thể hiểu rõ được dữ liệu và cách thức tiếp cận để tạo ra các ứng dụng phục vụ lợi ích cộng đồng trên nhiều nền tảng thiết bị khác nhau, như: điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và nền tảng Web mà không cần phải làm lại dữ liệu từ đầu nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng giá trị dữ liệu. Với nền tảng này, các dữ liệu tài nguyên và môi trường, đặc biệt là dữ liệu không gian địa lý, sẽ được các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng tiếp cận để khai thác, sử dụng và có thể tích hợp, phát triển với các ứng dụng trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau nhằm tiến tới mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát huy giá trị gia tăng của dữ liệu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Trong kỷ nguyên số, dữ liệu sẽ được coi là một tài sản vô giá, có thể tái sử dụng, làm giàu thêm theo thời gian. Trong thời gian tới, Sở TNMT sẽ tiếp tục và sẵn sàng hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn sử dụng để khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường qua Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường cho tất cả các Sở ban ngành, quận huyện trên địa bàn Thành phố, các doanh nghiệp CNTT có nhu cầu khai thác và phát triển các ứng dụng chuyên ngành, phục vụ công tác quản lý điều hành tại các đơn vị. Việc làm này giúp hình thành cộng đồng mở và giúp làm mới (cập nhật các biến động) về dữ liệu chuyên ngành. Sở Tài nguyên và Môi trường mong muốn và kỳ vọng rằng, các tổ chức, cá nhân sẽ tìm hiểu, khám phá các dữ liệu tài nguyên môi trường và khai thác, sử dụng hiệu quả để đem lại lợi ích cho chính mình và cộng đồng theo đúng quy định của Nhà nước. Tại buổi họp báo, công bố Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường nhằm cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân để cùng nhau đồng hành thúc đẩy quá trình Chuyển đổi số của Thành phố, Thúc đẩy chuyển đổi số tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chính là thúc đẩy nhiều việc đang làm và sẽ làm ở mức cao hơn, như xây dựng chính quyền điện tử (hướng đến chính quyền số), hay Đề án xây dựng đô thị thông minh (hướng đến xã hội số). Thành phố Hồ Chí Minh có khát vọng thực hiện nhanh, đi đầu trong chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh; nâng cao chất lượng sống người dân, vì hạnh phúc nhân dân; đóng góp nhiều hơn cho cả nước, cùng cả nước, vì cả nước. Hơn lúc nào hết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, liên kết các thành phần khác nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Sở Tài nguyên và Môi trường luôn trân trọng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để phát triển nền tảng ngày một tốt hơn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.
-
Chiều 28/3/2022, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp Hội đồng Đánh giá phần mềm hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (bao gồm Phần mềm VBDLIS và Phần mềm VNPT iLIS do Liên danh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và Công ty cổ phần Tin học – Bản đồ Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện) theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Chủ tịch Hội đồng) và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng) chủ trì cuộc họp. Cùng dự có Thiếu tướng Nguyễn Thành Nam, Phó TGĐ Tập đoàn Viettel; Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm, Phó TGĐ Tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy cùng các thành viên là thành viên Hội đồng Đánh giá phần mềm Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu; các chuyên gia về công nghệ thông tin và đại diện lãnh đạo Sở TN&MT của 20 tỉnh (họp trực tuyến) đang sử dụng phần mềm. Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong giai đoạn hiện nay, việc hoàn thiện các nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được ưu tiên triển khai, để từ đó, để cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng đồng bộ, đầy đủ trên phạm vi cả nước theo lộ trình thống nhất tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử và đô thị thông minh… Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, các thành viên hội đồng, các chuyên gia sẽ đóng góp thêm các ý kiến chuyên môn để chuẩn hóa và thống nhất phần mềm, từ đó, vừa đảm bảo được yêu cầu anh ninh cấp độ cao nhất vừa có thể đưa vào sử dụng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn các thành viên Hội đồng và chuyên gia không chỉ đánh giá hai phần mềm đang được sử dụng hiện nay (bao gồm Phần mềm VBDLIS do Tập đoàn Viettel thực hiện và Phần mềm VNPT iLIS do tập đoàn VNPT thực hiện) mà sẽ đưa thêm ra các nhận định, phương hướng, yêu cầu kỹ thuật để phần mềm khi thống nhất sử dụng trong cả nước sẽ được chuẩn hóa, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; các cơ quan Nhà nước, tổ chức, người dân sử dụng sẽ thuận tiện. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà hy vọng rằng, các Tập đoàn công nghệ của Việt Nam sẽ làm chủ được công nghệ để vừa tham gia vào công tác chuyển đổi số của quốc gia vừa đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trên cơ sở thống nhất các ý kiến kết luận của Hội đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Chính phủ, từ đó, triển khai tới các địa phương trên cả nước. Thay mặt Tổ kỹ thuật của Hội đồng Đánh giá phần mềm hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, Tổ kỹ thuật đã thực hiện rà soát kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá phần mềm của Hội đồng đưa ra và thấy rằng, cả hai phần mềm đều đã đáp ứng được đánh giá theo 5 tiêu chí gồm: Thành phần hồ sơ phục vụ đánh giá phần mềm; Tiêu chí nghiệp vụ quản lý đất đai; Tiêu chí công nghệ, an toàn, an ninh thông tin; Hiệu năng của phần mềm; Việc đáp ứng tại địa bàn thử nghiệm… Về cơ bản, hai phần mềm đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đưa ra của Tổ kỹ thuật. Tham gia thảo luận tại cuộc họp, các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An (sử dụng Phần mềm VBDLIS) và Bình Phước (sử dụng Phần mềm VNPT iLIS) cho biết, trong quá trình triển khai thực tiễn Phần mềm hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu đã góp phần hỗ trợ được địa phương giải quyết được những khó khăn, bất cập trong thời gian qua. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh là địa phương triển khai cùng một lúc hai phần mềm đánh giá, bên cạnh cả hai phần mềm đã đáp ứng về bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về quản lý đất đai, riêng phần mềm VNPT iLIS có giao diện thuận tiện hơn, quá trình sử dụng nhanh hơn. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị, Hội đồng cho phép ứng dụng hai phần mềm trong toàn quốc, đồng thời, sớm hoàn hiện các thủ tục pháp lý để hướng dẫn địa phương thực hiện. Tham gia đóng góp ý kiến, Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, qua báo cáo kỹ thuật, đề nghị Tổ kỹ thuật cần thống nhất lại các tiêu chí kỹ thuật, và từ các tiêu chí này đưa ra những yêu cầu cho hai đơn vị triển khai phần mềm thực hiện từ đó cơ quan quản lý sẽ lựa chọn được sản phẩm tối ưu nhất. Các chuyên gia cũng đề nghị hai đơn vị đưa ra đơn giá thực hiện để Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ theo ngân sách tài chính lựa chọn được đơn vị đáp ứng đủ yêu cầu. Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng quan điểm với Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu hệ thống tin đất đai đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị có liên quan cần cố gắng để hoàn thành sớm dự án hướng tới là sự kiện công nghệ thông tin quan trọng của năm 2022. Về những công việc triển khai của hai đơn vị, Bộ trưởng đánh giá cao những đóng góp của hai Tập đoàn Viettel và VNPT đã triển khai hai phần mềm để các địa phương trong cả nước sử dụng trong thời gian qua. Việc các địa phương đánh giá cao 2 phần mềm cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã phát triển hơn và đủ sức đảm đương những dự án lớn của Việt Nam về công nghệ thông tin, vừa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, vừa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về an toàn, an ninh thông tin. Dựa trên những đóng góp của các chuyên gia trong cuộc họp và trực tiếp khảo sát cac quy trình thực hiện xây dựng các hệ thống phần mềm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Tổ kỹ thuật, Hội đồng đánh giá cần phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn và đưa ra những tiêu chí đánh giá cụ thể hơn nữa về những nội dung mang tính chất chuyên ngành như: đất đai, các tiêu chí về công nghệ thông tin, lượng hóa các nhiệm vụ để hai đơn vị tham gia cùng nhau hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu, từ đó, Hội đồng sẽ thẩm định và tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất và đưa vào triển khai trên toàn quốc. Trước những đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng phối hợp và tham khảo ý kiến từ các đơn vị Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành theo thời gian quy định. Nguồn: Báo điện tử của Bộ tài nguyên và Môi trường https://baotainguyenmoitruong.vn/
-
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố và Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12/8/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Chiều 6/7/2020, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã thỏa thuận và thống nhất việc chia sẻ dữ liệu số về Tài nguyên – Quy hoạch – Xây dựng do Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Xây dựng quản lý để triển khai thực hiện xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý Quy hoạch – Tài nguyên – Xây dựng dùng cho toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Việc phối hợp của các Sở trong chia sẻ dữ liệu số tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Nội dung chia sẻ dữ liệu số (giai đoạn 1: khu vực 930ha; giai đoạn 2: toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh), như sau: - Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ dữ liệu số địa chính đã được cập nhật chỉnh lý biến động tới thời điểm hiện nay, dữ liệu Vilis, dữ liệu Lidar cập nhật mới nhất khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; - Sở Quy hoạch – Kiến trúc chia sẻ dữ liệu GIS quy hoạch phân khu và quy hoạch điều chỉnh cục bộ, dữ liệu bản đồ scan quy hoạch phân khu và điều chỉnh cục bộ, văn bản quyết định dạng số đính kèm đồ án; - Sở Xây dựng chia sẻ dữ liệu số các dự án và giấy phép xây dựng, các văn bản pháp lý dạng số đính kèm theo dự án/công trình, các bản vẽ đính kèm theo từng dự án/công trình, hình ảnh tiến độ dự án. Nguồn: Trang Thông tin điện tử Sở Xây dựng https://soxaydung.hochiminhcity.gov.vn/